Nhà tui chuyển về chung cư cách đây hai năm. Ba má dành căn phòng rộng nhất, sơn màu và trang trí các vật dụng theo mong muốn của tui và bé Thư. Khi tui học bài hay lướt web, chat với tụi bạn hay nghe nhạc online, thì nhỏ em đứng bên cửa sổ, bàn tay nhỏ xíu chống cằm, ngóng lên trời xanh biếc. Chốc chốc, con bé kêu tui ra, chỉ lên những cụm mây xốp bông đang trôi. Trí tưởng tượng của con bé rất lạ. Cụm mây nào cũng có thể làm nhỏ nghĩ tới một chú cún hay các đồ vật dành cho chú cún. Trong khi đó, tui chỉ thấy đó là những đám mây chán òm mà thôi.
Thế nhưng, bé Thư chỉ sống động khi ngồi bên cửa sổ. Ở trường tiểu học, cô giáo lớp Một rất hay gọi điện than phiền, nói rằng con bé kém tập trung, ít chú ý bài vở. Cô và má có la rầy cách gì, con bé cũng vậy. Một buổi tối, tui tình cờ đọc bài báo, viết rằng một mong ước không thực hiện được khiến một đứa trẻ sao lãng các việc khác. Tui tò mò hỏi xem, thứ gì nhỏ em mong ước nhiều nhất.
Đang nằm trên giường, nghe tui hỏi, bé Thư bật dậy ngay: “Em muốn có một con chó. Chó con thiệt í, không phải chó nhồi bông đâu!” Tui ngạc nhiên: “Sao bé không nói sớm?” Nhỏ gục gặc: “Em có chỉ nhiều đám mây hình chó con lắm, rồi vẽ tranh khoe chị nữa mà. Tại chị không để ý đó thôi!” Nghe tui kể, thằng Tú ngồi kế trong lớp ngay hôm sau mang vô một con cún năm tuần tuổi. Tui nhăn nhó vì vốn chẳng thích gì chó mèo, nhưng lỡ rồi, đành phải mang về. Khỏi nói khi mở nắp chiếc hộp, nhỏ em tui đã vui mừng cỡ nào. Con bé đã biết phải tập trung học bài, làm hết bài tập, để sau đó được phép chơi với con cún nhỏ.
Nunu là chú chó nâu sô-cô-la với đôi tai nhọn và bốn chân to mập. Có bữa đi học về, không thấy nhỏ em đâu, tim tui thắt lại lo sợ. Nhưng bé Thư chỉ nằm cuộn tròn dưới bàn ăn, ôm con cún trong tay, cả hai cùng ngủ ngon lành. Con cún là một người bạn thật sự của Thư, để nó yêu thương và chia sẻ. Sáng nào xuống sân chung, con cún cũng nằm trên băng ghế đá, nhìn rất ngoan hiền. Thế nhưng khi ở trên nhà, thì nó lộ nguyên hình là một kẻ hiếu động và phá phách. Lao ra ngoài ban công, dúi mũi vào mấy chậu đất, nó làm đổ ụp một chậu bông xuống quần áo tầng dưới đang phơi. Nếu má tui không hết lời xin lỗi thì đã có chuyện ồn ào. Lớn hơn một chút, Nunu có thêm thói quen cào giấy. Những quyển tạp chí, rồi cả tập học của tui nếu không cất kỹ đều bị nó cắn rách tanh bành. Đêm tối nếu có ai đó đi bên ngoài hành lang chung, nó dí sát mũi đánh hơi, sủa từng tràng dài vang động cả tầng nhà. Ông quản lý chung cư lên nói chuyện, cho biết các nhà xung quanh than phiền dữ quá. Ông nhắc: “Ở chung cư, khó nuôi thú cưng lắm!” Không riêng ba má, tui cũng nghĩ đến kế hoạch đem con cún đi cho, không thể nuôi nữa. Mọi người đều tìm cách nói với Thư để con bé hiểu.
Tuy nhiên, chưa kịp nói gì với bé út thì con Nunu biến mất. Có lẽ khi cửa mở hé, nó đã lẻn ra hành lang, theo lối cầu thang bộ xuống sân và bị ai đó bắt đi. Tui vừa mừng từ nay hết gặp rắc rối, vừa lo bé Thư sẽ khóc khi mất con thú cưng. Nhưng con nhỏ không rớt một giọt nước mắt nào. Sau vài ngày lùng kiếm khắp nơi vẫn chẳng thấy Nunu đâu, nhỏ em trở nên im lìm. Trong nhà vẫn đủ người mà không khí tự dưng vắng lặng, buồn hiu. Cô giáo ở trường lại gọi điện than phiền về tính lơ đễnh và điểm số sa sút của con bé. Tui dỗ dành kiểu gì, nhỏ em cũng vẫn vậy. Bỗng dưng, tui buột miệng: “Bé đừng buồn nữa. Nunu sẽ về. Tại nó khôn lanh nên có chú đạo diễn mượn nó đi quay phim thôi mà!” Con bé nhìn tôi ngờ vực. Lỡ nói xạo rồi, tui làm tới luôn: “Chị sợ bé không chịu cho Nunu đi đóng phim, nên không dám nói trước đó!” Con nhỏ nghĩ ngợi gì đó, nét mặt thấy tươi tỉnh lên chút chút.
Cuối tuần đó, tui lóc cóc đạp xe ra nhà Tú ở ngoại ô. Nhà cậu ta có đất vườn rất rộng. Khi tui đến, mẹ của Nunu vừa có một lứa cún mới. Cậu bạn dẫn tui vào xem. Có một chú cún giống hệt Nunu ngày nào, cũng màu lông sô-cô-la, bốn chân tròn lẳn đứng còn chưa vững. Tui mừng run, đề nghị: “Cho tui con cún ấy nhé!”. Tú trợn tròn mắt: “Bà đâu có ưa chó mèo. Con chó đợt rồi, bà cằn nhằn cử nhử hoài mà. May là nó đi mất!” Tui nhún nhường: “Nay khác rồi. Tui sẽ gửi sữa, để ông bồi dưỡng chó mẹ và mấy chú cún con mau lớn nha!” Tất nhiên là tên bạn chịu liền thôi.
Gần hai tháng kế đó, một mặt tui dỗ dành bé Thư, nghĩ đủ cách giải thích vì sao Nunu chưa đóng phim xong, một mặt tui thường xuyên qua nhà tên bạn, thăm nom con cún. Tui mang theo một chiếc giày, tập cho nó quen với hơi của Thư. Cho đến khi con cún nhỏ đã lớn bằng đúng Nunu hồi bị mất cắp, tui mới xin Tú mang nó về nhà. Con cún mới rất ngoan, chịu cho bé Thư bồng. Run ghê lắm, tui chỉ thở phào khi nhỏ em ôm con cún trong tay, thì thào trò chuyện: “Nunu biết đóng phim giỏi quá hén?”
Tui biết nói dối là xấu, nhất là nói dối một đứa trẻ sáu tuổi thơ ngây. Nhưng tui không có lựa chọn nào khác. Tui không muốn thế giới trong trẻo của bé Thư trở nên u ám về những chuyện tồi tệ xảy ra với Nunu bạn nó. Tui cũng đã hiểu, ngôi nhà chỉ thực sự ấm áp khi có tiếng cười của những người sống bên trong. Khi đi tìm lại tiếng cười đó, tui cũng yêu thương nhiều hơn những điều trước kia tui vẫn ngỡ mình chẳng để tâm đến bao giờ.
Tui sẽ cùng chăm sóc Nunu với bé. Và chuyện giải quyết sao đó cho ổn thỏa với các nhà kế bên ở chung cư, tôi nghĩ, sẽ ổn thôi!
Bạn cũng BIẾT vậy mà, phải không?